Sunday, 21 October 2012

[why] Đi tìm nguyên nhân những trận động đất



Một trong những thiên tai kinh khủng nhất mà con người luôn phải chịu đựng từ ngàn xưa đó là động đất, núi lửa.. từ đó kéo theo hàng loạt các tàn phá khác mà mức độ khốc liệt không kém như lở đất, lún sụt, đất nứt, sóng thần, nước triều giả, đê vỡ, hỏa hoạn.. mà gần đây nhất là sụp đổ lò phản ứng hạt nhân fukushima, Nhật bản năm 2011.

Vậy động đất là gì  ?
Động đất (hay địa chấn) là hiện tượng mặt đất rung chuyển, rạn nứt mạnh hay yếu tuỳ từng trận (đơn vị đo là độ richter). Một chấn động đơn độc thường kéo dài không quá vài giây, những trận động đất nghiêm trọng nhất cũng chỉ kéo dài tối đa là 3 phút nhưng hậu quả thì không thể đo lường.
Động đất ở Nhật bản 11/3/2011, con đường ở Satte, Saitama Prefecture.
Mặt đất không bình yên
Vấn đề nằm trong lớp vỏ bất ổn định của trái đất. Thử tìm hiểu ở sâu dưới chân chúng ta có những gì nhé.
Ngay trên bề mặt của trái đất là lớp đá cứng, nguội gọi là Thạch quyển (lithosphere) có thành phần chủ yếu là là đá bazan và granit. Lớp vỏ này ở lục địa và đại dương rất khác nhau:
  • Lớp vỏ của đáy biển (quyển sima) chủ yếu là đá bazan nặng và sẫm màu và chỉ dày từ 5 tới 10 km
  • lớp vỏ lục địa (quyển sial) dày từ 20 tới 70 km và chủ yếu chứa các loại đá nhẹ hơn.
Lớp đá cứng này bị vỡ ra thành 7 mảng lớn di chuyển trôi nổi trên một lớp quyển mềm (asthenosphere) nóng chảy bên dưới.
lớp quyển mềm (asthenosphere) nằm ngay dưới lớp thạch quyển, là 1 lớp đá nóng chảy ở nhiệt độ khoảng 900oC di chuyển liên tục không ngừng theo kiểu đối lưu bên trong lớp phủ Trái Đất, kéo theo các mảng kiến tạo (Plate) bên trên với vận tốc khoảng 20–60 mm/năm . Tiến trình này gọi là sự trôi dạt lục địa, nó được giải thích bằng thuyết kiến tạo mảng (bạn đọc hãy tìm hiểu thêm nhé).
Như vậy, dù là rất chậm chạp, mặt đất vẫn luôn chuyển động không ngừng, và hiện tượng sụp gãy bên dưới mặt đất xảy ra khi ứng suất cao hơn sức chịu đựng của thể chất trái đất. Hầu hết mọi sự kiện xảy ra tại các đường ranh giới của các mảng kiến tạo, căn cứ vào đó các nhà khoa học định ra được ranh giới này từ dữ kiện về vị trí các cơn địa chấn.
7 mảng kiến tạo lớn đó là:
  1. mảng Bắc Mỹ:  gồm toàn bộ Bắc Mỹ và đông bắc Siberi
  2. mảng Nam Mỹ: gồm toàn bộ Nam Mỹ – mảng lục địa
  3. mảng Phi: gồm toàn bộ châu Phi – mảng lục địa
  4. mảng ÂU-Á: gồm toàn bộ châu Á và châu Âu – mảng lục địa
  5. mảng ẤN ÚC: gồm toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ và một phần của Ấn Độ Dương và cả châu Úc – mảng lục địa
  6. mảng Thái Bình Dương: gồm toàn bộ Thái Bình Dương – mảng đại dương
  7. mảng Nam Cực: gồm toàn bộ châu Nam Cực – mảng lục địa
Các mảng này di chuyển tương đối với nhau theo một trong ba kiểu ranh giới mảng: hội tụkhi hai mảng va chạm; tách giãn khi hai mảng đẩy nhau ra xa, chuyển dạng khi các mảng trượt dọc theo các vết đứt gãy.. từ đó hình thành nên các dãy núi, và rãnh lớn trong lòng đại dương.
Khi các mảng kiến tạo di chuyển, đáy đại dương bị hút chìm ở rìa của lục địa hay tại ranh giới hội tụ. Trong khi đó, sự phun trào magma ở ranh giới phân kỳ tạo ra các rặng núi giữa đại dương. Sự kết hợp của các quá trình này đẩy lớp vỏ ở đại dương trở lại lớp phủ. Bởi quá trình tái chế này, phần lớn đáy đại dương không quá 100 triệu tuổi. Lớp vỏ đại dương già nhất là ở tây Thái Bình Dương và ước chừng khoảng 200 triệu tuổi. Bên cạnh đó, lớp vỏ lục địa già nhất khoảng 4030 triệu tuổi.
Động đất xảy ra hằng ngày trên trái đất, nhưng hầu hết không đáng chú ý và không gây ra thiệt hại nhiều. Khi địa chấn vược hơn 5 độ richter là bắt đầu có hiện tượng rung chuyển lắc, kiến trúc sụp đổ. Trong rất nhiều trường hợp, có nhiều trận động đất nhỏ hơn xảy ra trước hay sau lần động đất chính; những trận này được gọi là dư chấn. Năng lực của động đất được trải dài trong một diện tích lớn, và trong các trận động đất lớn có thể trải hết toàn cầu. Các nhà khoa học thường có thể định được điểm mà các sóng địa chấn được bắt đầu. Điểm này được gọi là chấn tiêu. Hình chiếu của điểm này lên mặt đất được gọi là chấn tâm.
Động đất , núi lửa và những dấu hiệu dự báo trước
Thường ngay trước thời gian động đất hoặc sóng thần xảy ra người ta quan sát thấy có các dầu hiệu bất thường ở động vật vì rất có thể chúng cảm nhận đượcc những thay đổi về trường tĩnh điện, hạ âm… song không hoàn toàn là những dự báo đáng tin cậy. Cho đến ngày nay vẫn chưa tìm ra phương pháp dự báo chính xác mức độ những trận địa chấn lớn.
Người dân làm gì khi có động đất
  • Nếu động đất xảy ra ngay lúc ở trong nhà, hãy chui xuống gầm bàn lớn hay giường mà có thể chịu được nhiều vật rớt. Như thế khi nhà sập vẫn có khí thở. Nếu bàn chuyển động, đi theo bàn.
  • Nếu không có gầm bàn thì tìm góc phòng hay cửa mà đứng. Tránh cửa kính.
  • Tránh xa những vật có thể rơi xuống.
  • Che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn trúng.
  • Nếu điện cúp, dùng đèn pin. Đừng dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn.
  • Nếu động đất xảy ra trong lúc ở ngoài đường, tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống mà đứng.
  • Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường. Tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu.
Đăc biệt, nếu đang ở trong các tòa nhà cao tầng:
  • Tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt.
  • Cũng nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo.
  • Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.
Ở Tp HCM năm 2005 cũng có vài rung chuyển nhẹ làm rung rinh các nhà cao tầng, lúc ấy tôi đang làm việc ở Thủ Đức, ngồi ở tầng trệt chợt nghe 1 tiếng động vang vọng như tiếng sấm dưới chân và sau đó cảm giác nguyên cái bàn bị chao nhẹ. Trong vài giây mọi người nhìn nhau rồi cùng la lên 1 lượt “Động đất” và túa nhau chạy ào ra khỏi phòng.. và bỏ về ngày hôm đó luôn :)

biên soạn từ nhiều nguồn

No comments:

Post a Comment